Blog y học

Bài viết

Hạ Magie máu

Posted in Nội khoa by

Bất thường về nồng độ magie máu như hạ magie máu có thể dẫn đến rối loạn của hầu hết các cơ quan trong cơ thể và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp thất, co thắt mạch vành và đột tử.

Magie là ion dự trữ nhiều thứ 2 trong khu vực nội bào và nhiều thứ 4 nếu tính toàn thân, đóng nhiều vai trò quan trọng trong tế nào như vận chuyển, dự trữ và sử dụng năng lượng, chuyển hóa protein, carbohydrat và chất béo, duy trì hoạt động bình thường của màng tế bào và điều hòa bài tiết PTH. Đối với toàn thân, magie có tác dụng giảm huyết áp và giảm sức cản thành mạch

Hầu hết các enzym chuyển hóa phospho đều cần đến magie như ATP, magie có chức năng làm ổn định ARN, ADN và ribosom. Do ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ATP nên magie có thể ảnh hưởng đến hô hấp tế bào.

Điều hòa nồng độ magie chủ yếu nhờ hoạt động hấp thu magie qua đường tiêu hóa và thải trừ magie qua thận. Ở người bình thường để có nồng độ magie cân bằng với chức năng thận bình thường trong chế độ ăn mỗi ngày cần có 0,15-0,2 mmol magie/kg cân nặng.

Tại ruột nồng độ calci cao sẽ giảm hấp thu magie ngược lại nồng độ magie thấp sẽ tăng hấp thu calci. PTH có vai trò tăng hấp thu magie. Glucocorticoid giảm hấp thu calci sẽ tăng hấp thu magie. Vitamin D tăng hấp thu magie nhưng vai trò còn tranh cãi.

40-60% các trường hợp hạ magie máu liên quan đến hạ kali máu, nguyên nhân do các tình trạng nền dần đến mất đồng thời kali và magie như lợi tiểu và tiêu chảy.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân hạ magie máu thường liên quan đến giảm hấp thu magie qua đường tiêu hóa, tái phân bố magie từ khu vực ngoại bào vào khu vực nội bào, tăng mất magie qua thận hoặc tiêu hóa.

  • Giảm hấp thu magie có thể do nhịn ăn, nghiện rượu mạn, xơ gan rượu, đói kèm toan chuyển hóa suy dinh dưỡng Kwashiorkor, dinh dưỡng tĩnh mạch toàn bộ.
  • Tái phân bố magie từ khi vực ngoại bào vào nội bào có thể do các nguyên nhân: hội chứng xương đói, điều trị toan ceton đo đái tháo đường, hội chứng cai rượu, hội chứng cho ăn trở lại và viêm tụy cấp.
  • Mất magie qua hệ tiêu hóa: ỉa chảy, nôn hoặc hút dịch dạ dày, dò tiêu hóa, hậu môn nhân tạo, hạ magie máu kèm theo hạ calci máu thứ phát.
  • Mất magie qua thận bao gồm các bất thường về ống thận và do thuốc sử dụng:
    • Mất magie tiên phát qua thận, viêm cầu thận mạn, viêm thận bể thận mạn, giai đoạn lợi tiểu của hoại tử ống thận, hội chứng Bartter, Gitelman. Dùng thuốc lợi tiểu
    • Thuốc: thuốc lợi tiểu, digitalis, các kháng sinh aminoglycosid, amphotericin B, ticarcillin
    • Cường giáp, cường aldosterone, cường cận giáp, tiểu đường, tăng calci máu, lợi tiểu do glucose, ure, manitol, giảm phosphat máu hội chứng Gitelman
  • Nguyên nhân khác: viêm tụy cấp, hội chứng ly giải khối u từ xương, truyền máu có citrat, bỏng nặng, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, thai nghén

TRIỆU CHỨNG

Tương tự triệu chứng của giảm calci máu. Mức độ nặng của triệu chứng không tương quan nhiều đến mức độ hạ magie máu.

Triệu chứng lâm sàng của hạ magie máu xuất hiện khi magie < 1,2 mg/dL tương đương 0,5 mmol/L hoặc 1 mEq/L.

Triệu chứng lâm sàng

  • Thần kinh cơ:
    • Run cơ, run tay chân
    • Cơn tetani, dấu hiệu Chvostek và Trousseau. + Rối loạn điều vận.
    • Rung giật nhãn cầu dọc.
    • Tăng đáp ứng với kích thích cảm giác, tăng phản xạ gân xương.
    • Chóng mặt, co giật.
    • Rối loạn tâm thần dạng trầm cảm, mất định hướng, thờ ơ, sảng.
  • Tim mạch:
    • Nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất, có thể loạn nhịp tim.

Cận lâm sàng

Để đánh giá tình trạng hạ magie máu cần làm:

  • Dự trữ magie hồng cầu, bạch cầu mono và tế bào cơ, xương.
  • Magie niệu 24 giờ.
  • Phân số thải magie niệu (FE Mg).
  • Nồng độ magie tự do nội bào bằng nhuộm flourescent hoặc cộng hưởng tử hạt nhân.
  • Xét nghiệm protein, calci và kali: do magie gắn protein, hạ kali máu do thiếu ATP, hạ calci máu do rối loạn hoạt động của PTH do thiếu magie.
  • ĐTĐ có thể gặp QT kéo dài dẫn đến xoắn đỉnh. PR hoặc QT kéo dài, T dẹt hoặc âm, ST đi ngang.

CHẨN ĐOÁN HẠ MAGIE MÁU

Chẩn đoán xác định

Do triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu nên chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm nồng độ magie máu giảm dưới giá trị bình thường.

Cần xét nghiệm nồng độ các điện giải khác ngoài agie để chẩn đoán tình trạng hạ magie máu.

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt với hai bệnh lý thường mắc kèm

  • Hạ calci máu.
  • Hạ kali máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trịnh Bỉnh Dy (2006). Điều nhiệt. Sinh lý học. Nhà xuất bản Y học. Tập 1, 91-100
  2. Dennis L. Kasper, Stephen L. Hauser, et al (2015) Harrison ’s principles of intenal medicine 19th Edition, McGraw-Hill.
  3. David HB (2016). Etiologies of fever of unknown origin in adults. Uptodate. http://www.uptodate.com/contents/etiologies-of-fever-of-unknown-origin-in- adults
  4. Reuven P and Charles AD (2016). Pathophysiology and treatment of fever in adults. Uptodate. http://www.uptodate.com/contents/pathophysiology-and-treatment-of-fever-in-adults
  5. Richard F. L, Donald D. B and Richard L (2015). Vital Signs, Anthropometric Data, and Pain. DeGowin's Diagnostic Examination, 9th edition. Chapter 4. 40-67.
  6. Marin H. Kollef, Warren Isakow (2012) The Washington manual of Critical Care 2nd edition, Lippincott Williams & Wilkins.
  7. Triệu chứng học nội khoa - NXB Y học 2009.
  8. Williamson MA, Snyder LM, Wallach JB (2011) Wallach's interpretation of diagnostic tests. 9th edition. Lippincott Williams & Wilkins.