Blog y học

Bài viết

Tổng quan về các bệnh cơ xương khớp

Posted in Nội khoa by

Nước ta là một nước nhiệt đới gió mùa và là nước nông nghiệp với đa số người dân làm nông nghiệp, do đó bệnh lý về thấp khớp học là bệnh lý rất phổ biến có tính chất mạn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và chi phí y tế của người dân.

ĐỊNH NGHĨA

Bệnh cơ xương khớp là bệnh của hệ thống cơ, xương và khớp, thường được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau, sưng khớp, hạn chế vận động, yếu cơ, đau cơ hay các biến dạng xương...

PHÂN LOẠI

Các bệnh lý về xương khớp được chia làm 2 nhóm:

Nhóm có chấn thương

Bao gồm chấn thương do thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt...

Nhóm không chấn thương

Bao gồm rất nhiều loại bệnh lý xương khớp:

  • Bệnh của tổ chức liên kết: lupus ban đỏ hệ thống; viêm đa cơ và viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, bệnh Still ở người lớn, hội chứng Sjogren, bệnh lý viêm mạch.
  • Bệnh khớp tinh thể: bệnh gút, bệnh khớp do tinh thể khác: Pyrophosphat calci.
  • Bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính: viêm cột sống dính khớp, bệnh lý đường ruột có viêm khớp, viêm khớp vẩy nến, hội chứng Reiter và viêm khớp phản ứng).
  • Bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan tới hệ xương khớp: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do lao, viêm khớp do virus, viêm khớp do ký sinh trùng và nấm, viêm khớp ở bệnh nhân AIDS, cốt tủy viêm, thấp khớp cấp.
  • Bệnh xương khớp không do viêm: loãng xương, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, hoại tử vô khuẩn xương; nhuyễn xương, bệnh Paget; bệnh khớp do nguyên nhân nội tiết; bệnh khớp do nguyên nhân bệnh máu; bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh.
  • Các bệnh lý phần mềm cạnh khớp: viêm gân, viêm bao gân, viêm túi thanh dịch.
  • Các bệnh lý cơ xương khớp khác: u xương nguyên phát, ung thư di căn xương...

AI CÓ THỂ BỊ BỆNH LÝ CƠ XƯƠNG KHỚP

Tất cả các lứa tuổi và cả hai giới, mặc dù phụ nữ bị bệnh nhiều hơn so với nam giới. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp.

  • Yếu tố không thay đổi được:
    • Tuổi: tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương. Tuổi thọ con người càng được nâng cao thì tỉ lệ các bệnh xương khớp cũng càng tăng cao.
    • Giới tính và hormon: một số bệnh nữ giới có u hướng mắc bệnh nhiều hơn nam như: viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, thoái hóa khớp. Trong khi một số bệnh khác có xu hướng mắc nhiều hơn ở nam giới như gút, nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.
    • Do di truyền bẩm sinh: một số người sinh ra với dị dạng hoặc sụn khớp bị lỗi, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Người mang gen HLA - B27 có nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.
  • Yếu tố thay đổi được:
    • Bệnh béo phì. Trọng lượng cơ thể nhiều hơn, sức ép lên khớp tăng lên làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
    • Một số ngành nghề. Nếu công việc gò bó, nặng nề hay căng thẳng, lặp đi lặp lại có thể dẫn tới thoái hóa khớp hay viêm gân.
    • Tư thế: sinh hoạt, làm việc sai tư thế có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, gây gù vẹo cột sống, đau do co cứng cơ.
    • Dinh dưỡng: chế độ ăn nhiều đạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

GÁNH NẶNG BỆNH TẬT

Bệnh thấp khớp là một trong những phổ biến nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người, gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế. Bệnh có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc của người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nghỉ hưu sớm. Nếu bệnh không được điều trị thích hợp, các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang, nấu ăn và vệ sinh cá nhân cũng bị ảnh hưởng.

Ở châu Âu, chi phí cho bệnh lý cơ xương khớp là tốn kém nhất trong tất cả các bệnh, ước tính mỗi năm hơn 200 tỷ Euro được chi trả cho các bệnh lý cơ xương khớp.

Bệnh thấp khớp ảnh hưởng đến khoảng 46 triệu người dân Mỹ ở tất cả các chủng tộc và lứa tuổi, trong đó có khoảng 294.000 trẻ em.

Ở Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trên 40 tuổi là 66%, những vị trí thoái hóa khớp thường gặp nhất là cột sống thắt lưng (43%) và khớp gối (35%). Khoảng 29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương. Tỷ lệ này tương đương với các nước Âu Mỹ. Hiện nay số người cao tuổi tại nước ta đã lên hơn 6 triệu người, chiếm 7% tổng dân số, dự kiến sẽ tăng lên trên 10 triệu vào năm 2020. Do vậy, chăm sóc sức khỏe xương khớp cho người có tuổi đang là vấn đề thách thức.

CÁC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP THƯỜNG GẶP

Thoái hóa khớp

Thoái hoá khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. Thoái hóa khớp gối thường gặp nhất. Triệu chứng lâm sàng đặc trưng của thoái hóa khớp là đau có tính chất cơ học, đau tăng khi vận động, giảm hoặc hết đau khi nghỉ ngơi, thường kèm theo dấu hiệu phá rỉ khớp.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis) là bệnh viêm khớp mạn tính có biểu hiện là viêm nhiều khớp đối xứng có kèm theo cứng khớp buổi sáng. Đây là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất. Bệnh gặp khoảng 0,5-1% dân số một số nước châu Âu. Về lâm sàng, bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, bệnh thường diễn biến mạn tính xen kẽ các đợt viêm cấp tính.

Viêm đa cơ và viêm da cơ (viêm đa cơ có kèm biểu hiện ở da)

Là bệnh hệ thống chưa rõ nguyên nhân, có cơ chế tự miễn dịch. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm, thoái hóa của các sợi cơ vân, gây yếu cơ, teo cơ, đặc biệt là các cơ ở gốc chi dẫn đến giảm hoặc mất chức năng vận động. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ nữ/nam khoảng 2/1. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuối song hay gặp nhất ở độ tuổi 40-60, hiếm gặp hơn ở trẻ em, nếu gặp thì hay ở độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi. Nếu trong viêm da cơ thì kèm theo tổn thương da đặc trưng.

Xơ cứng bì toàn thể

Là một bệnh tự miễn dịch, đặc trưng bởi tình trạng xơ hoá da và mô dưới da do tổn thương chủ yếu là chất cơ bản của thành phần tạo keo ở da. Bệnh thường gặp ở nữ (80%), lứa tuổi 30-50. Bệnh có tổn thương ở nhiều cơ quan, đặc biệt ở da, mạch máu (trong đó hay gặp hội chứng Raynaud) và nội tạng. Đặc điểm lâm sàng đặc trưng của bệnh là da dầy, xơ cứng, giảm độ đàn hồi.

Bệnh lý cột sống là thể huyết thanh âm tính

Nhóm bệnh này có một số đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm đặc trưng như: viêm đốt sống, viêm khớp cùng chậu, tổn thương ngoài khớp như: da, niêm mạc, mống mắt... Xét nghiệm HLA-B27 thường dương tính.

Lupus ban đỏ hệ thống

Là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh.

Bệnh gút

Là tình trạng viêm khớp do sự lắng đọng các tinh thể muối urat trong dịch khớp hoặc mô. Bệnh gút thường gặp ở nam giới tuổi trung niên (30-40 tuổi). Cơn gút cấp biểu hiện bằng sưng, đau, nóng, đỏ khớp chi dưới đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái đột ngột, dữ dội thường khỏi dưới 2 tuần. Gút mạn tính khi có một trong các tổn thương ( tổn thương xương khớp mạn tính do gút, tổn thượng thận do gút, hạt tophi).

Bệnh lý phần mềm quanh khớp

Đây là nhóm bệnh thường gặp trên lâm sàng. Đó là viêm gân, viêm bao hoạt dịch gân, viêm điểm bám tận của gân. Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại gây đau đớn ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương là một bệnh lý của xương, được đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và giảm chất lượng xương, dẫn đến tăng nguy cơ gẫy xương. Loãng xương nguyên phát bao gồm loãng xương sau mãn kinh hoặc sau cắt bỏ buồng trứng khoảng 510 năm, liên quan đến sự thiếu hụt oestrogen. Loãng xương tuổi già xuất hiện cả ở nam và nữ trên 70 tuổi.

Đau thắt lưng - thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm

Đau vùng thắt lưng là thuật ngữ để chỉ các triệu chứng đau khu trú tại vùng giữa khoảng xương sườn 12 và nếp lằn liên mông, một hoặc hai bên.

Đau vùng thắt lưng rất thường gặp. Tỷ lệ thay đổi tùy theo từng nước, song nói chung, có tới 70-85% dân số ít nhất một lần bị đau vùng thắt lưng trong đời. Tại Mỹ, đây là nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động của phụ nữ dưới 45 tuổi, là lý do đứng thứ hai kiến bệnh nhân đi khám bệnh, là nguyên nhân nằm viện đứng thứ năm và đau vùng thắt lưng đứng thứ ba trong số các bệnh phải phẫu thuật (Anderson 1999).

CÁC TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH KHỚP

Trong khoảng 30 năm gần đây ngành thấp khớp học Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và áp dụng được nhiều thành tựu khoa học của thế giới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. Việc kết hợp nhiều biện pháp nội ngoại khoa và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và đông y đã mang lại hiệu quả điều trị tốt.

Điều trị nội khoa

Các thuốc chống viêm không steroids (CVKS)

Các thuốc mới dựa trên cơ chế ức chế chọn lọc COX- 2 giảm thiểu tác dụng phụ trên thận và đường tiêu hoá.

Các thuốc chống thoái hoá khớp tác dụng chậm

Thuốc nhóm này có khả năng tái lập cân bằng chuyển hoá sụn khớp, ít tác dụng không mong muốn, có thể dùng kéo dài, hiệu quả tốt. Sử dụng liệu pháp bổ sung chất nhày dịch khớp bằng tiêm acid hyaluronic nội khớp trong điều trị thoái hoá khớp. Điều trị thoái hoá khớp gối bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc mô mỡ tự thân.

Thuốc sinh học

Các thuốc sinh học trong điều trị bệnh lý khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống) như thuốc ức chế yếu tố hoại tử u TNF-O. , ức chế IL 6 cho kết quả khả quan, dung nạp tốt, song giá tiền còn đắt.

Điều trị ngoại khoa

Nội soi khớp đạt hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp thoái hoá khớp, nhiễm khuẩn khớp, tổn thương dây chằng, sụn chêm, cắt bỏ màng hoạt dịch ... Các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, thay đĩa đệm nhân tạo, chỉnh hình cột sống, tạo hình xẹp đốt sống bằng bơm xi măng thân đốt sống ngày càng trở nên phổ biến.