Blog y học

Bài viết

Sốt

Posted in Nội khoa by

Sốt được định nghĩa khi thân nhiệt tăng (> 37,8°C đo ở miệng hoặc > 38,2°C đo ở hậu môn) hoặc thân nhiệt cao hơn giá trị bình thường.

SINH LÝ BỆNH

Thân nhiệt được duy trì ổn định mặc dù có những biến đổi về nhiệt độ của môi trường vì trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi cân bằng giữa quá trình sản sinh nhiệt từ chuyển hóa ở các mô (đặc biệt là gan và cơ) với sự thải nhiệt qua da và phổi. Trong khoảng thời gian 24 giờ, thân nhiệt thấp nhất vào buổi sáng sớm, cao nhất vào cuối buổi chiều. Sự thay đổi thân nhiệt tối đa trong ngày khoảng 0,6°C.

Sốt xảy ra khi trung tâm điều nhiệt của cơ thể điều chỉnh lại điểm chuẩn (set point) nhiệt ở mức cao hơn, chủ yếu là để đáp ứng với nhiễm trùng. Chất gây sốt ngoại sinh bao gồm vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn (nội độc tố lipoporysaccharide của vi khuẩn gram âm, enterotoxin của tụ cầu vàng), virus, nấm, ký sinh trùng, phản ứng miễn dịch và một số thuốc. Các chất gây sốt ngoại sinh khi vào cơ thể sẽ kích thích bạch cầu đơn nhân và đại thực bào giải phóng chất gây sốt nội sinh như interleukin-1 (IL-1), yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha), IL-6 và cytokin khác. Chất gây sốt nội sinh đựợc máu đưa tới trung tâm điều hòa thân nhiệt gắn vào các neuron cảm nhận nhiệt độ ở vùng trước thị dưới đồi và “đặt lại chuẩn” nhiệt của trung tâm điều hòa thân nhiệt ở mức cao hơn. Khi đó làm cho thân nhiệt bình thường trở nên thấp hơn “mức chuẩn mới”, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, sởn gai ốc, run và co mạch máu ở ngoại vi để tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt đạt tới “mức chuẩn mới” thì quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt cân bằng và sốt duy trì thân nhiệt ở mức cao. Khi nguyên nhân gây sốt được loại bỏ hoăc dùng thuốc hạ nhiệt, thì mức “nhiệt độ chuẩn” trở lại bình thường làm người bệnh cảm thấy nóng và thân nhiệt ở mức cao. Khi đó bệnh nhân vã mồ hôi, da ửng đỏ do dãn mạch, thở nhanh để tăng thải nhiệt và sốt giảm. Interleukin-1còn kích thích tổng hợp prostaglandin E2 gây hoạt hóa quá trình sinh nhiệt và giữ nhiệt.

NGUYÊN NHÂN

Rất nhiều bệnh có thể gây sốt, được chia thành các nhóm sau:

  • Nhiễm trùng (phổ biến nhất).
  • Ung thư.
  • Bệnh lý viêm (bao gồm cả thấp khớp, liên quan tới các thuốc
  • Bệnh hệ thống.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu.

Các nguyên nhân gây sốt cấp tính (ví dụ, thời gian < 4 ngày) ở người lớn thường là do nhiễm trùng. Khi người bệnh bị sốt không do nguyên nhân nhiễm trùng, sốt thường kéo dài và hay tái phát. Ngoài ra, biểu hiện sốt cấp tính và đơn độc ở bệnh nhân đã được chẩn đoán là ung thư hoặc bệnh tự miễn vẫn phải loại trừ nguyên nhân do nhiễm trùng. Ở người khỏe mạnh, biểu hiện sốt cấp tính ít khi là biểu hiện ban đầu của một căn bệnh mạn tính.

Nguyên nhân nhiễm trùng:

Thực tế là hầu như tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có thể gây sốt. Cơ địa người bệnh cụ thể và các yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng đến nguyên nhân gây sốt.

Cơ địa người bệnh bao gồm tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nghề nghiệp và các yếu tố nguy cơ (ví dụ, nằm viện, thủ thuật xâm lấn gần đây, có đường truyền tĩnh mạch hoặc ống thông tiểu, sử dụng máy thở).

Yếu tố bên ngoài là những người tiếp xúc với bệnh cụ thể - ví dụ, tiếp xúc với người bị bệnh, dịch bệnh tại địa phương, vector truyền bệnh (ví dụ, muỗi, bọ ve), chất truyền bệnh thường gặp (ví dụ, thực phẩm, nước bẩn) hoặc vị trí địa lý (ví dụ, nơi cư trú hoặc gần đây đi đến vùng dịch).

Nguyên nhân chủ yếu gây sốt cấp tính:

Người khỏe mạnh: nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường tiết niệu, da và mô mềm. Nguyên nhân gây nhiễm trùng hay gặp là virus, vi khuẩn.

Người bệnh nằm viện: nhiễm khuẩn liên quan đến các ống thông (catheter tĩnh mạch, ống thông tiểu...). viêm phổi (đặc biệt là những bệnh nhân có thở máy), nhiễm khuẩn vết mổ, tiêu chảy (do clostridium difficile), huyết khối tĩnh mạch sâu, một số thuốc, tụ máu và phản ứng do truyền máu.

Du lịch vào vùng dịch tễ: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan virus, virus Zika, Histoplasmosis, bệnh Legionnaires, Hantavirus, Coccidioidomycosis...

Tiếp xúc với sinh vật mang mầm bệnh: bọ ve: Rickettsiosis, Ehrlichiosis, Anaplasmosis, bệnh Lyme, Babesiosis, Tularemia. Muỗi: sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm não do Arbovirus, động vật hoang dã: bệnh dại, tularemia, hantavirus. Bọ chét: Plague. Động vật nuôi trong nhà: Brucellosis, bệnh mèo cào, sốt Q, Toxoplasmosis. Chim: bệnh vẹt (Psittacosis). Bò sát: nhiễm Salmonella. Dơi: bệnh dại, Histoplasmosis.

Cơ địa suy giảm miễn dịch: có thể nhiễm vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Virus: Varicella-zoster, Cytomegalovirus. Vi khuẩn: phế cầu, não mô cầu, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, Nocardia sp hoặc Mycobacteria sp. Nấm: Candida, Aspergillus, Histoplasma, Coccidioides hoặc sp; jirovecii Pneumocystis; hoặc nấm gây mucormycosis. Ký sinh trùng: Toxoplasma gondii, Strongyloides stercoralis, Cryptosporidium sp, Microsporidia hoặc Cystoisospora Belli.

Những thuốc gây tăng thân nhiệt: amphetamines, cocain, methylenedioxymethamphetamin, thuốc chống loạn thần, thuốc gây mê...

Những thuốc có thể gây kích hoạt sốt: kháng sinh nhóm beta-lactam, thuốc Sulfa, Phenytoin, Carbamazepin, Procainamid, Quinidin, Amphotericin B, Interferons.

KHÁM NGƯỜI BỊ SỐT

Phát hiện sốt

Xác định sốt bằng nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, không nên dựa vào cảm giác của người bệnh cũng như chỉ dựa vào sờ trán, sờ da. Sốt được chẩn đoán chính xác nhất bằng cách đo nhiệt độ trực tràng. Nhiệt độ đo ở miệng thấp hơn đo ở trực tràng khoảng 0,6°C và có thể sai số vì nhiều lý do, chẳng hạn uống nước lạnh trước đó, thở bằng miệng, tăng thông khí và đo nhiệt độ không đủ thời gian (đối với nhiệt kế thủy ngân). Đo nhiệt độ màng nhĩ bằng nhiệt kế cảm biến hồng ngoại ít chính xác hơn so với đo nhiệt độ trực tràng.

Sau khi đã xác định là có sốt, cần tìm hiểu:

  • Thời gian khởi phát
  • Cách khởi phát.
    • Sốt cấp tính: tăng thân nhiệt đột ngột, nhiệt độ tăng từ 37oC lên 40oC trong vòng vài giờ, thường kèm theo rét run. Cách khởi phát này thường gặp trong trường hợp sốt do cảm cúm hay sốt rét.
    • Sốt tăng dần: tăng thân nhiên cao nhất 39oC đến 40oC trong vòng 4 đến 5 ngày. Cách khởi phát này thường gặp trong trường hợp thương hàn, brucellose, lao...
    • Sốt âm ỉ: thời gian khởi phát không rõ ràng, có thể từ 5 đến 10 ngày, có thể gặp trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn Osler hay lao ngoài phổi.
  • Tính chất của cơn sốt
    • Cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn tăng thân nhiệt, người bệnh cảm thấy rét, ớn lạnh, rét rồi rét run phải đắp chăn. Nếu như sốt do nguyên nhân nhiễm khuẩn, cấy máu tại thời điểm này có khả năng bắt được vi khuẩn gây bệnh cao nhất. Giai đoạn sốt cao, người bệnh cảm thấy nóng, da khô, đo nhiệt độ tăng cao. Giai đoạn hạ sốt người bệnh vã mồ hôi, hạ sốt.
    • Cơn sốt không điển hình; sốt nhẹ chỉ có cảm giác ớn lạnh hoặc chỉ thấy những đợt vã mồ hôi. Cần phải cặp nhiệt độ để xác định chẩn đoán sốt.
  • Diễn biến của sốt
    • Sốt có thể diễn biến trong ngày hoặc trong nhiều ngày (nhiều tuần).
    • Liên tục: đường biểu diễn trên bảng nhiệt độ thành một hình cao nguyên. Nhiệt độ cao suốt cả ngày, từ sáng đến chiều lệch nhau rất ít, thường không quá 10C. Loại sốt này thường gặp trong thương hàn, viêm phổi.
    • Dao động: đường biểu diễn nhiệt độ thành nhiều hình tháp, trong đó quá trình sốt gồm nhiều cơn, giữa các cơn nhiệt độ không xuống hẳn đến bình thường hoặc xuống hẳn đến bình thường. Trong dạng nhiệt độ không xuống hẳn đến bình thường, sốt vẫn ở khoảng trên 370C, đó là loại sốt không dứt cơn, gặp trong nhiễm khuẩn máu, viêm đường mật, viêm bể thận, các ổ nung mủ sâu.
    • Sốt theo chu kỳ: cơn sốt xuất hiện theo chu kỳ đều đặn. Cần nghĩ đến sốt rét trước tiên (sốt cách 48-72h), giảm bạch cầu hạt trung tính chu kỳ (khoảng 3 tuần).
    • Hồi quy: từng đợt sốt kéo dài và vài ngày kế tiếp nhau; ở giữa các đợt đó, nhiệt độ bình thường. Điển hình của dạng sốt này là bệnh sốt hồi quy do xoắn khuẩn.
    • Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân được định nghĩa bởi cơn sốt trên 38,2oC kéo dài trên 3 tuần mà nguyên nhân không xác định rõ ràng sau 1 tuần nhập viện.

Hỏi bệnh sử

  • Hỏi các triệu chứng kèm theo sốt: có nhiều triệu chứng kèm theo không đặc hiệu nhưng trong một số trường hợp có thể đưa ra hướng chẩn đoán dựa trên những dấu hiệu này.
    • Rét run (run, ớn lạnh, lạnh run cầm cập hay cảm giác ớn lạnh): rét run thường gặp đầu thời kỳ sốt. Nếu rét run dữ dội có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết, nung mủ sâu hoặc cơn sốt rét.
    • Mồ hôi: ra mồ hôi là triệu chứng bình thường khi hạ sốt tự nhiên hay do dùng thuốc. Các trường hợp khác: ra mồ hôi nhiều thường gặp trong brucellose (có mùi chua), bệnh Hodgkins (thường tiên lượng xấu) hay cường giáp (sốt nhẹ)
    • Mệt mỏi: mệt mỏi cơ thể hay tinh thần là triệu chứng rất thường gặp với những mức độ khác nhau. Đỉnh điểm có thể gây ra kiệt sức trong trường hợp thương hàn hoặc các trường hợp nhiễm khuẩn khác.
    • Sụt cân: giảm cân nhiều và nhanh (> 10% cân nặng bình thường) thường hay gặp trong những trường hợp lao, bệnh ác tính.
    • Nhợt nhạt: có thể định hướng các bệnh ác tính hay nhiễm khuẩn nặng.
    • Đau: đau đầu cơ khơp và mất ngủ có thể kèm theo sốt. Đau là một triệu chứng quan trọng để tìm nguyên nhân của sốt; người bệnh cần được hỏi về những cơn đau trong tai, đầu, cổ, răng, họng, ngực, bụng, lưng, trực tràng, cơ bắp và các khớp.
  • Triệu chứng tại chỗ khác bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy và các triệu chứng tiết niệu (số lần đi tiểu, tiểu nóng rát, hoặc khó tiểu). Phát ban (bao gồm cả bản chất, vị trí và thời điểm khởi đầu, liên quan đến các triệu chứng khác).
  • Tiền sử tiếp xúc với bệnh tật và chẩn đoán bệnh trước đó.
    • Tiền sử bệnh tật: phẫu thuật; bệnh có thể dễ bị bệnh nhiễm trùng (HIV, đái tháo đường, ung thư, ghép tạng, bệnh van tim, có van tim nhân tạo). Bệnh lý có thể gây sốt (các bệnh về khớp, lupusban đỏ, gout, bệnh sarcoid, cường giáp, ung thư)
    • Tiền sử đi du lịch, tiền sử phơi nhiễm bệnh (nước hoặc thực phẩm không an toàn, côn trùng đốt, tiếp xúc động vật, quan hệ tình dục không được bảo vệ),
    • Tiêm chủng.
    • Tiền sử dùng thuốc: thuốc có thể gây sốt, thuốc có thể gây nên các nguy cơ nhiễm trùng (corticosteroid, hóa trị liệu và thuốc chống thải ghép), lạm dụng thuốc tiêm (dẫn đến viêm nội tâm mạc, viêm gan, thuyên tắc phổi nhiễm khuẩn, nhiễm trùng da và mô mềm).

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng được tiến hành ngay khi người bệnh được xác định bị sốt.

  • Dấu hiệu sống: thở nhanh. Nhịp tim nhanh hoặc tụt huyết áp. Sốt hay kèm theo tăng nhịp thở, trung bình cứ thân nhiệt tăng 10C thì nhịp thở tăng 2-3 lần trong một phút. Khi nhiệt độ tăng 10C thì nhịp tim tăng từ 10 đến 15 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên ở bệnh nhân thương hàn, hay có hiện tượng nhiệt độ cao mà mạch chậm (phân ly mạch nhiệt).
  • Biểu hiện chung của người bệnh, suy kiệt và trầm cảm cần phải lưu ý.
  • Khám da: tìm phát ban, xuất huyết, tổn thương trên da. Khám hạch ở vùng cổ, nách và bẹn, tính chất hạch.
  • Tất cả các khớp lớn phải được khám tìm dấu hiệu sưng, đỏ và đau (gợi ý nhiễm trùng khớp hoặc bệnh lý của khớp). Bàn tay và bàn chân được kiểm tra phát hiện các dấu hiệu của viêm nội tâm mạc, bao gồm xuất huyết dưới móng, nốt hồng ban đau dưới da tại đầu các đầu ngón tay, ngón chân (Osler nút) và các dát xuất huyết trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân (tổn thương Janeway). Cột sống: khám tìm các điểm đau khu trú.
  • Người bệnh nằm viện xem có đường truyền tĩnh mạch, cấy máy tạo nhịp tim, ống thông dạ dày, ống thông tiểu, vết mổ.
  • Khám thần kinh trung ương tìm các tổn thương khu trú.

Khám vùng đầu mặt cổ:

  • Màng nhĩ: khám tìm nhiễm trùng.
  • Xoang (xoang trán và xoang hàm trên).
  • Động mạch thái dương.
  • Mũi: kiểm tra xem có sung huyết và chảy nước mũi (trong hoặc có mủ).
  • Mắt: khám kết mạc, củng mạc mắt vàng.
  • Đáy mắt: tìmđiểm Roth (gợi ý viêm nội tâm mạc).
  • Họng miệng và răng lợi: tìm viêm hoặc loét (tổn thương của candida gợi ý cơ địa suy giảm miễn dịch), răng đau.
  • Cổ: gáy cứng, đau gợi ý viêm màng não và khám hạch cổ.

Khám phổi: ran nổ hoặc hoặc dấu hiệu đông đặc phổi.

Nghe tim: tìm tiếng thổi (gợi ý viêm nội tâm mạc).

Khám bụng: tìm dấu hiệu gan to, lách to và đau (gợi ý nhiễm trùng).

Khám sườn lưng: đau vị trí thận (gợi viêm bể thận)

Khám phụ khoa ở phụ nữ để kiểm tra di động cổ tử cung hoặc đau ở phần phụ. Khám bộ phận sinh dục nam để kiểm tra dịch tiết của niệu đạo và điểm đau.

Trực tràng: khám điểm đau và sưng, gợi ý áp xe quanh hậu môn (có thể gặp ở những người bệnh suy giảm miễn dịch).

Khám phát hiện những dấu hiệu nặng: những triệu chứng sau đây cần phải đặc biệt quan tâm:

  • Rối loạn ý thức.
  • Đau đầu, gáy cứng.
  • Ban xuất huyết.
  • Hạ huyết áp.
  • Khó thở.
  • Nhịp tim nhanh hoặc thở nhanh.
  • Nhiệt độ > 40°C hoặc < 35°C.
  • Mới đi du lịch ở những vùng có bệnh dịch nguy hiểm (ví dụ sốt rét, cúm H5N1...).
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch gần đây.

CHẨN ĐOÁN SƠ BỘ NGUYÊN NHÂN GÂY SỐT

Mức độ tăng nhiệt độ thường không dự đoán khả năng hay nguyên nhân của nhiễm trùng.

  • Nếu nghi ngờ bệnh nặng, cần phải nhập viện để khám lâm sàng và làm xét nghiệm ngay. Khi người bệnh có dấu hiệu nặng:
    • Đau đầu, gáy cứng và ban xuất huyết gợi ý bệnh viêm màng não.
    • Nhịp tim nhanh và thở nhanh, có hoặc không có hạ huyết áp hay trạng thái thay đổi ý thức nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết.
    • Sốt rét nên được nghi ngờ ở người đã đi du lịch tới khu vực có dịch.
  • Người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, có nguy cơ cao mắc nhiễm khuẩn nặng, cần phải quan tâm.
  • Phát hiện ổ nhiễm khuẩn khu trú ở các cơ quan bằng hỏi bệnh và khám lâm sàng (được trình bày chi tiết hơn về cách phát hiện và ý nghĩa của các dấu hiệu thực thể trong các chương nói về triệu chứng học tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp). Những biểu hiện gợi ý khác bao gồm hạch to toàn thể và phát ban.
  • Hạch to toàn thể có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn có tăng bạch cầu đơn nhân cấp tính thường đi kèm với viêm họng, mệt mỏi và gan lách to. Nên nghi nhiễm HIV hoặc giang mai ở người có hạch to toàn thể, đôi khi kèm theo đau khớp, phát ban. HIV tiến triển 2-6 tuần sau khi tiếp xúc. Giang mai thứ phát thường biểu hiện viêm loét (gọi là săng), với các triệu chứng tiến triển sau 4-10 tuần. Tuy nhiên, người bệnh có thể không nhận thấy săng vì nó không đau và có thể nằm ngoài tầm mắt ở vị trí trực tràng, âm đạo.
  • Sốt và phát ban thường do nhiễm trùng và thuốc. Ban xuất huyết hoặc xuất huyết cần phải quan tâm đặc biệt, gợi ý nhiễm não mô cầu, một số bệnh nhiễm virus (như sốt xuất huyết). Tổn thương da khác bao gồm ban đỏ cổ điển của bệnh Lyme, tổn thương cơ quan đích của hội chứng Stevens-Johnson và ban đỏ đau của viêm mô tế bào. Khả năng mẫn cảm thuốc chậm (thậm chí sau một thời gian dài sử dụng) nên phải quan tâm như dị ứng thuốc allopurinol điều trị bệnh Goute.
  • Nếu không phát hiện thấy ổ nhiễm khuẩn khu trú, người khỏe mạnh bị sốt cấp tính và chỉ có triệu chứng không đặc hiệu (ví dụ, khó chịu, đau mỏi toàn thân) rất có thể do nhiễm virus có thể tự khỏi, trừ khi có tiền sử tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các vi sinh vật mang mầm bệnh hoặc ở trong vùng dịch tễ có thể mắc bệnh khác.
  • Người bệnh có các bệnh lý nền, nhiều khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Người chích ma túy, người có van tim nhân tạo có thể bị viêm nội tâm mạc.
  • Người suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật nhất định (xem bảng: nguyên nhân chủ yếu gây sốt cấp tính).
  • Sốt do thuốc (có hoặc không có phát ban) cần phải chẩn đoán loại trừ, thường phải dùng thử nghiệm ngưng thuốc. Một khó khăn là nếu kháng sinh là nguyên nhân, các bệnh đang được điều trị cũng có thể gây sốt. Đôi khi có manh mối chẩn đoán là sốt và phát ban xuất hiện sau khi lâm sàng cải thiện từ các nhiễm trùng ban đầu và không có biểu hiện xấu đi hoặc tái xuất hiện các triệu chứng ban đầu (ví dụ, ở một người bệnh đang được điều trị viêm phổi, sốt lại xuất hiện mà không ho, khó thở hoặc giảm oxy máu).

XÉT NGHIỆM

Chỉ định xét nghiệm phụ thuộc vào việc phát hiện nguyên nhân tại cơ quan gây sốt.

  • Nếu như phát hiện nguyên nhân sốt tại các cơ quan cụ thể, xét nghiệm được chỉ định dựa trên triệu chứng và nghi ngờ lâm sàng, như:
    • Tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm HIV: xét nghiệm huyết thanh học.
    • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm: nuôi cấy máu để phát hiện vi khuẩn.
    • Viêm màng não: chọc dịch não tủy ngay, tiêm tĩnh mạch dexamethasonevà dùng thuốc kháng sinh (CT sọ nên làm trước chọc tủy sống nếu như người bệnh có nguy cơ thoát vị não; dexamethason tĩnh mạch và thuốc kháng sinh phải được cho ngay sau khi cấy máu và trước khi chụp CT sọ não).
    • Bệnh lý đặc hiệu do lây nhiễm (ví dụ, có tiền sử tiếp xúc hoặc ở trong vùng dịch lưu hành) cần chỉ định xét nghiệm chẩn đoán với những bệnh lý đó, đặc biệt là xét nghiệm máu ngoại vi tìm ký sinh trùng sốt rét.
  • Nếu không phát hiện ổ nhiễm khuẩn khu trú ở người khỏe mạnh và không nghi ngờ bệnh lý nặng, người bệnh có thể được theo dõi tại nhà mà không cần xét nghiệm. Phần lớn, các triệu chứng tự khỏi một cách nhanh chóng; một số có thêm triệu chứng nặng hoặc triệu trứng khu trú cần được khám lại và xét nghiệm dựa trên các triệu chứng mới xuất hiện.
  • Nếu nghi ngờ bệnh nặng trên những người không có biểu hiện triệu chứng khu trú, cần thiết phải tiến hành xét nghiệm. Người bệnh có triệu chứng nguy hiểm gợi ý nhiễm trùng huyết cần phải cấy bệnh phẩm tìm vi khuẩn (nước tiểu và máu), chụp X-quang, điện giải đồ, glucose, BUN, creatinin, lactate và enzyme gan. Công thức máu thường được chỉ định, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu để chẩn đoán nhiễm khuẩn nặng thấp. Tuy nhiên, nếu số lượng bạch cầu thấp là dấu hiệu tiên lượng xấu ở người bị suy giảm miễn dịch. Xét nghiệm procalcitonin máu là xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán sốt do nhiễm khuẩn.
  • Người bệnh có bệnh lý nền nên chỉ định xét nghiệm ngay cả khi họ không có triệu chứng khu trú và không có biểu hiện nặng. Vì nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng của viêm nội tâm mạc, người tiêm chích ma túy có sốt thường được đưa vào bệnh viện để cấy máu nhiều mẫu và làm siêu âm tim. Người bệnh dùng thuốc ức chế miễn dịch, phải xét nghiệm công thức máu; nếu có giảm bạch cầu, xét nghiệm ngay chụp X-quang ngực, cấy máu, đờm, nước tiểu, phân và tổn thương trên da. Do nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết là nguyên nhân thường gặp ở người bệnh giảm bạch cầu bị sốt, cho ngay kháng sinh tĩnh mạch phổ rộng theo kinh nghiệm mà không chờ kết quả cấy.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị nguyên nhân cụ thể gây sốt bằng các biện pháp điều trị chống nhiễm trùng; khi nghi ngờ nhiễm trùng nặng cần dùng kháng sinh tĩnh mạch phổ rộng theo kinh nghiệm.

Việc điều trị hạ sốt do nguyên nhân nhiễm trùng, hiện nay vẫn còn tranh cãi. Bằng chứng thực nghiệm, nhưng không phải các nghiên cứu lâm sàng, cho thấy rằng sốt tăng khả năng đề kháng của cơ thể vật chủ. Nên dùng thuốc hạ sốt cho một số người bệnh có nguy cơ đặc biệt như người lớn bị suy tim hoặc suy hô hấp hoặc bị giảm trí nhớ.

Thuốc ức chế cyclooxygenase não có hiệu quả làm giảm sốt, liều thường dùng ở người lớn: Acetaminophen 500 mg đường uống mỗi 6 giờ; Ibuprofen 400-600 mg đường uống mỗi 6 giờ. Không nên sử dụng đồng thời với các thuốc chữa cảm cúm khác có chứa acetaminophen. NSAID khác (ví dụ, aspirin, naproxen) cũng là thuốc hạ sốt có hiệu quả.

Nếu nhiệt độ > 41°C, cần sử dụng thêm các biện pháp làm lạnh khác (ví dụ như, làm mát bằng phương pháp bay hơi sử dụng nước dưới dạng sương mù ấm, chăn làm mát).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Allan R. Tunkel (2016). Fever. http://www.merckmanuals.com/professional/infectious-disease/biology-of-infectious-disease/fever.
  2. Trịnh Bỉnh Dy (2006). Điều nhiệt. Sinh lý học. Nhà xuất bản Y học. Tập 1, 91-100
  3. Charles A.D and Reuven P (2015). Fever. Harrison’s principles of intenal medicine. 19th Edition. Chapter 23, 123-126.
  4. Reuven P and Charles AD (2016). Pathophysiology and treatment of fever in adults. Uptodate. http://www.uptodate.com/contents/pathophysiology-and-treatment-of-fever-in-adults
  5. Richard F. L, Donald D. B and Richard L (2015). Vital Signs, Anthropometric Data, and Pain. DeGowin's Diagnostic Examination, 9th edition. Chapter 4. 40-67.