Phổi làm nhiệm vụ trao đổi khí giữa không khí bên ngoài và máu, nhận O2 và thải CO2. Thăm dò chức năng hô hấp là thăm dò về phương diện thông khí, trao đổi khí và các khí trong máu.
THĂM DÒ CHỨC NĂNG THÔNG KHÍ
Thăm dò chức năng thông khí giúp đo các thể tích và các lưu lượng của phổi nhằm các mục đích chính như: phát hiện sớm các rối loạn chức năng hô hấp, đánh giá hiệu quả điều trị, đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân trước mổ.
Hiện có hai loại máy hô hấp ký thường được sử dụng là máy hô hấp ký thể tích và máy hô hấp ký lưu lượng. Máy hô hấp ký thể tích: thể tích khí thở ra đo bằng lít được chia cho thời gian của kỹ thuật đo lường bằng giây và cho kết quả lưu lượng khí là lít/giây.
Máy hô hấp ký lưu lượng: lưu lượng khí đo bằng lít/giây được nhân với thời gian của kỹ thuật thở đo bằng giây và cho kết quả là thể tích khí đo bằng lít.
Các thể tích của phổi
Thể tích lưu thông (TV: Tidal volume): là thể tích đo được trong tình trạng nghỉ ngơi giữa hai thời kỳ thở ra và hít vào bình thường, nam cao hơn nữ.
Thể tích dự trữ hít vào (IRV: Inspiratory reserved volume): là thể tích khí mà người ta có thể hít vào sau thời kỳ hít vào bình thường.
Thể tích dự trữ thở ra (ERV: Expiratory reserved volume): là thể tích mà người ta có thể thở ra sau khi thời kỳ thở ra bình thường, còn gọi là thể tích dự trữ của phổi.
Thể tích cặn (RV: Residual volume): là thể tích còn trong phổi sau khi thở ra cố, hay thể tích không khí còn lại trong phổi sau khi đã thở ra hết sức.
Dung tích sống (VC: Vital capacity): số thể tích khí tối đa huy động được trong một lần thở, gồm tổng của 3 thể tích: VC = IRV + TV + ERV.
Dung tích cặn chức năng (FRC: Functional residual capacity): là thể tích khí có trong phổi cuối thì thở ra bình thường, là tổng của 2 thể tích: FRC = ERV + RV.
Dung tích toàn phổi (TLC: Total Lung capacity): là tổng số lít khí tối đa có trong phổi, gồm tổng các thể tích: TLC = IRV + TV + ERV + RV hoặc TLC = VC + RV.
Dung tích hít vào (IC: Inspiratory capacity): là thể tích khí hít vào được tối đa kể từ vị trí nghỉ thở thư giãn, IC = TV + IRV.
Các lưu lượng thở
- Dung tích sống thở mạnh (FVC: Forced Vital capacity): là dung tích sống đo khi thở ra mạnh.
- Thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên (FEV1: Forced expiratory volume): Là số lít tối đa thở ra được trong giấy đầu tiên.
- Chỉ số Tiffeneau và Gaensler: được tính như sau: Tiffeneau = FEV1/EC x 100% Gaensler = FEV1/FCV x 100%
- Thông số này giảm là là dấu hiệu gián tiếp của tắc nghẽn phế quản lớn. 176
- Các lưu lượng thở ra tối đa: các lưu lượng thở ra tối đa ở các quãng của dung tích sống: FEV 0,2 - 1,2; FEV 25 - 75% là lưu lượng từ vị trí 25% đến vị trí 75% của VC đã thở ra. Thông số này có độ nhạy cao, biểu hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn giai đoạn đầu khi các lưu lượng trên còn bình thường.
- Lưu lượng đỉnh (PEF: Peak expiratory flow): là lưu lượng nhanh nhất của khí lưu thông trong đường hô hấp khi thở ra gắng sức.
Các giá trị bình thường của các thông số
Bảng 3.3. Giá trị bình thường của các thông số dung tích phổi
Viết tắt | Tên | Trị số bình thường |
---|---|---|
VC | Vital capacity (L): dung tích sống | lớn hơn 80% |
FVC | Forced vital capacity (L): dung tích sống gắng sức | lớn hơn 80% |
FEVi | Forced Expiratory Volume during 1st second: thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên X | lớn hơn 80% |
FEVi/VC | Chỉ số Tiffeneau | lớn hơn 70% |
FEVi/FVC | Chỉ số Gaensler | lớn hơn 70% |
FEF25-75 | Forced expiratory flow during the middle half of FVC: lưu lượng thở ra khoảng giữa của dung tích sống gắng sức | lớn hơn 60% |
PEF | Peak expiratory flow: lưu lượng đỉnh | lớn hơn 80% |
Test hồi phục phế quản
Test hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản
Nhằm đánh giá đáp ứng hồi phục phế quản với các thuốc giãn phế quản.
- Bệnh nhân cần dừng thuốc giãn phế quản trước khi làm test (thời gian dừng phụ thuộc từng loại thuốc):
- Thuốc giãn phế quản dạng hít: tác dụng ngắn (4 giờ); tác dụng dài (12 giờ).
- Thuốc giãn phế quản dạng uống: tác dụng ngắn (8 giờ); phóng thích chậm (12 giờ).
- Không hút thuốc lá, thuốc lào trước khi đo 2 giờ.
- Tiến hành: bệnh nhân được đo chức năng hô hấp trước test. Sau đó bệnh nhân được xịt 400 mcg salbutamol, sau 30 phút đo lại chức năng hô hấp.
Test dương tính: nếu FEV1 và/hoặc FVC (VC) tăng > 12% và 200ml.
Test hồi phục phế quản với corticoid
Tiến hành: bệnh nhân được đo chức năng hô hấp trước test. Sau đó cho bệnh nhân dùng glucocorticoid dạng xịt trong thời gian 6 tuần đến 3 tháng và đo lại FEV1 để so sánh với trước dùng thuốc.
Đánh giá: nếu FEV1 tăng > 200 ml và/hoặc > 12%, khi đó bệnh nhân được xem là có đáp ứng với glucocorticoid. Đây là tiêu chuẩn để chỉ định điều trị corticoid kéo dài cho bệnh nhân.
Test kích thích phế quản
Hen phế quản gây tăng tiết trong lòng phế quản và sẽ có hội chứng tắc nghẽn tạm thời. Chức năng phổi ngoài cơn hen lại bình thường vì vậy ta dùng phương pháp kích thích phế quản (acetylcholin hay carbacholin; histamin). Các chất này sẽ làm phế quản co lại. Test này chỉ thực hiện ở những cơ sở có kinh nghiệm và bệnh nhân hen không rõ ràng.
THĂM DÒ CHỨC NĂNG TRAO ĐỔI KHÍ
Phương pháp
Thăm dò trao đổi ở phổi được khảo sát bằng kỹ thuật đo lưu lượng khuếch tán của khí CO, hay còn gọi là hệ số vận chuyển CO qua màng phế nang mao mạch (transfer factor of CO, hay diffusing capacity for CO: TLCO hay DLCO). Khí CO là chất trao đổi gần giống như O2 và CO2 lại có khả năng khuếch tán 16 lần hơn O2.
Ứng dụng lâm sàng của đo TLCO
Giảm khả năng trao đổi khí có thể do 2 nguyên nhân chính:
- Giảm diện tích và/hoặc tăng bề dày màng phế nang mao mạch:
- Giảm diện tích: tất cả những bệnh lý phổi đều có nguy cơ làm giảm diện tích khả dụng của màng phế nang mao mạch.
- Tăng bề dày: viêm, phù mô kẽ, xơ hóa của mô kẽ...
- Giảm thể tích và/hoặc lượng hồng cầu trong mao mạch:
- Giảm thể tích mao mạch (Vc): do giảm số đơn vị mao mạch: do lão hóa, khí phế thũng, hội chứng mô kẽ, nhiễm trùng (lao, vi khuẩn.). Hoặc giảm thể tích mao mạch (Vc) do thuyên tắc: tắc mạch phổi, tăng áp động mạch phổi.
- Thiếu máu làm giảm lượng hồng cầu.
MỘT SỐ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG HÔ HẤP
Chức năng hô hấp bình thường
Biểu thị bằng tỷ số FEV1/FVC > 70%, VC hoặc FVC > 80% giá trị lý thuyết, FEV1 > 80% giá trị lý thuyết.
Rối loạn thông khí tắc nghẽn
Biểu thị bằng:
- Chỉ số Tiffeneau và/hoặc chỉ số Gaensler giảm < 70%.
- Tùy vào mức độ giảm FEV1 để đánh giá mức độ nặng của rối loạn thông khí tắc nghẽn: giai đoạn I: > 80%: nhẹ; giai đoạn II: 50% - 80%: trung bình; giai đoạn III: 30% - 50%: nặng; giai đoạn IV: FEV1 < 30% rất nặng.
- Rối loạn thông khí tắc nghẽn hồi phục hoàn toàn: sau test hồi phục phế quản chỉ số Tiffeneau và Gaensler > 70% và test hồi phục phế quản dương tính.
- Rối loạn thông khí tắc nghẽn hồi phục một phần: sau test hồi phục phế quản chỉ số Tiffeneau và Gaensler < 70% và test hồi phục phế quản dương tính. Rối loạn thông khí tắc nghẽn thường gặp trong bệnh phế quản phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế nang, hen, giãn phế quản.
Rối loạn thông khí hạn chế
- Biểu thị bằng:
- TLC, VC, FVC giảm < 80% giá trị dự đoán, FEV1/VC bình thường hay tăng.
- Giá trị VC hoặc FVC (lấy giá trị lớn hơn) giúp đánh giá mức độ rối loạn thông khí hạn chế: nhẹ: 60% - 80%; trung bình: 40% - 60%; nặng: < 40%.
- Rối loạn thông khí hạn chế thường gặp trong:
- Giảm diện tích nhu mô phổi lành.
- Độ giãn thành ngực giảm (sau mổ mở lồng ngực, di chứng bệnh màng phổi, thông khí, tổn thương các cơ hô hấp...).
- Xơ phổi (độ giãn lồng ngực giảm).
Rối loạn thông khí hỗn hợp
- Biểu hiện bằng:
- VC < 80% giá trị dự đoán.
- Tiffeneau hoặc Gaensler < 70% giá trị dự đoán.
- TLC < 80% giá trị dự đoán.
Rối loạn thông khí hỗn hợp có thể gặp trong những bệnh lý phối hợp cả hai rối loạn trên.
KHÍ MÁU ĐỘNG MẠCH
Chỉ định
- Đánh giá các rối loạn thăng bằng kiềm toan.
- Đánh giá tình trạng oxy hoá máu.
- Cần chỉ định xét nghiệm khí máu động mạch trong các trường hợp bệnh nhân rối loạn ý thức không rõ nguyên nhân, rối loạn hô hấp, xác định và đánh giá các rối loạn về oxy hoá máu hoặc các bất thường HCO3-.
- Đánh giá đáp ứng điều trị của bệnh nhân và test chẩn đoán: liệu pháp oxy, test gắng sức, đáp ứng với thở máy.
Vị trí lấy mẫu
- Vị trí lấy mẫu tối ưu nhất là ở động mạch có hệ thống tuần hoàn bàng hệ tốt để không gây tình trạng giảm tưới máu khi bị co thắt mạch hoặc có cục máu đông gây cản trở tuần hoàn. Động mạch được lựa chọn để lấy mẫu nên là mạch ở nông sát bề mặt da giúp tiếp cận động mạch dễ dàng và hạn chế đau cho bệnh nhân.
- Động mạch quay nằm nông đồng thời có tuần hoàn bàng hệ tốt từ động mạch trụ nên động mạch quay là vị trí lấy mẫu tốt nhất.
- Ngoài ra có thể lấy mẫu ở động mạch cánh tay, động mạch đùi, động mạch mu chân, động mạch chày sau, động mạch thái dương nông ở trẻ em.
Đánh giá kết quả
Ghi chú: * Giá trị thay đổi nguyên phát gây ra các rối loạn
Các câu hỏi cần đặt ra khi phân tích khí máu động mạch:
- Rối loạn này là toan hay kiềm?
- Rối loạn này do hô hấp hay chuyển hóa?
- Rối loạn này là cấp tính hay mạn tính?
- Còn bù hay mất bù?